Lan tỏa thông điệp của Tổng Bí thư gửi ngành VHTTDL: “Tiếp lửa” để toàn ngành nỗ lực thi đua yêu nước
VHO- Thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa toàn quốc năm 2023 nhân kỷ niệm 78 năm Ngày truyền thống của Ngành vừa qua không chỉ nêu bật nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm bảo tồn, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, mà còn “tiếp lửa” cho toàn ngành phấn đấu; đẩy mạnh thi đua yêu nước gắn với nỗ lực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nâng cao “sức đề kháng” cho văn hóa thông qua hoạt động xuất bản
Thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “... góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh với tinh thần: “Từng giọt nước nhỏ thấm vào lòng đất, chảy về một hướng mới thành suối, thành sông”.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản, một trong những ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, ngoài việc thực hiện nghiêm Luật Xuất bản và các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật, toàn ngành đang đẩy mạnh thực hiện chương trình đặt hàng xuất bản phẩm sử dụng ngân sách nhà nước. Đến nay, đã có nhiều tác phẩm không chỉ có giá trị học thuật mà còn có tính ứng dụng cao trong đời sống. Bên cạnh đó, việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam vào 21.4 hằng năm đã giúp khuyến khích, phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng; nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, cơ quan chức năng và tổ chức xã hội đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc nước nhà...
Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu rõ quan điểm: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước”. Trong phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một lần nữa nhấn mạnh tầm quan trọng của văn hóa khi khẳng định: “Văn hóa còn thì dân tộc còn”. Giải thưởng Sách Quốc gia chính là hoạt động cụ thể hóa những quan điểm này khi thông qua sách, văn hóa đọc tôn vinh những giá trị của văn hóa Việt Nam cũng như công sức của những người làm xuất bản. Đến nay, Giải thưởng đã trở thành sự kiện văn hóa giàu ý nghĩa, góp phần đưa giá trị sách lan tỏa, thẩm thấu sâu vào đời sống xã hội.
Trong hoạt động xuất bản, sách văn học - nghệ thuật đóng vai trò nòng cốt trong thúc đẩy văn hóa đọc cũng như đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân. Việc tăng cường xuất bản mảng sách này đã giúp nâng cao mức hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân; ca ngợi tinh thần yêu nước và chủ nghĩa nhân văn; thể hiện sự quan tâm đến những vấn đề nóng bỏng trong đời sống…
Để tiếp tục lan tỏa sâu rộng văn hóa đọc trong cộng đồng, trong thời gian tới ngành Xuất bản sẽ tích cực triển khai tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam; Giải thưởng Sách Quốc gia; triển khai Chương trình Sách Quốc gia; xây dựng chiến lược phát triển xuất bản điện tử; triển khai, hoàn thiện các chương trình, dự án, đề án góp phần đẩy mạnh hoạt động quảng bá xuất bản phẩm ra nước ngoài; xây dựng, khôi phục mạng lưới phát hành xuất bản phẩm cấp huyện tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, biên giới, hải đảo…
(Ông NGUYỄN NGUYÊN, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Bộ TT&TT)
Phát triển văn hóa đọc góp phần phát triển giáo dục và rèn luyện nhân cách con người
Ảnh: TRẦN HUẤN
Tại Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực Văn hóa toàn quốc năm 2023, tôi vinh dự được nghe Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đọc Thư chúc mừng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Bức thư đã trở thành nguồn cổ vũ tinh thần để chúng ta cùng nhau phấn đấu, trở thành bông hoa đẹp trong vườn hoa người tốt, việc tốt của ngành VHTTDL; tiếp tục khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua”.
Qua những căn dặn của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, đặc biệt là thông điệp trong Thư chúc mừng, Thư viện tỉnh Đồng Tháp đã và đang đẩy mạnh triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 06 của BCH Đảng bộ tỉnh về xây dựng văn hóa, con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động.
Hiện chúng tôi đang phát triển dịch vụ thư viện theo hướng đổi mới, sáng tạo cũng như hình thành môi trường học tập - giải trí thân thiện, phù hợp với mọi lứa tuổi. Đặc biệt, việc triển khai xe thư viện lưu động “Ánh sáng tri thức”, kết hợp trao tủ sách khuyến học và luân chuyển tài liệu luôn được Thư viện tỉnh Đồng Tháp tập trung triển khai, góp phần phát triển mạnh mẽ phong trào đọc sách trên địa bàn và vươn tới những vùng sâu, vùng xa.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong thư: “Công tác xây dựng môi trường văn hóa gắn với xây dựng con người đã đi đúng hướng, lấy cơ sở làm trọng tâm, nhân dân là chủ thể, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc...”, đây cũng là suy tư của những người làm công tác thư viện tại tỉnh Đồng Tháp. Với hướng đi này, chúng tôi sẽ tập trung nâng cao hơn nữa năng lực phục vụ bạn đọc; phát triển nguồn tài nguyên thông tin, sách, báo về văn hóa, di sản, con người. Đặc biệt, chủ động giới thiệu đến bạn đọc những tác phẩm sách hay về lĩnh vực văn hóa; góp phần tăng cường nhận thức của người dân về tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế - xã hội.
(Bà TRẦN THỊ MỸ TRINH, Giám đốc Thư viện tỉnh Đồng Tháp)
Nỗ lực phát huy truyền thống văn hóa hiếu học của dân tộc
Thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 và thông điệp trong Thư chúc mừng gửi Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến lĩnh vực Văn hóa toàn quốc năm 2023, Trường ĐH Hùng Vương luôn tích cực, chủ động triển khai việc lan tỏa văn hóa đọc trong nhà trường; góp sức vào công cuộc bảo tồn, chấn hưng và phát triển văn hóa Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước.
Cụ thể, nhà trường đã quán triệt thực hiện những Quyết định, chỉ đạo, hướng dẫn của Thủ tướng Chính phủ về Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam; Kế hoạch của Bộ TT&TT về việc tổ chức Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam đến toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên. Hằng năm, nhà trường đều yêu cầu bộ phận chức năng xây dựng kế hoạch triển khai, tổ chức tuyên truyền các hoạt động hưởng ứng văn hóa đọc theo hướng thiết thực, ý nghĩa; đầu tư xây dựng hệ thống thư viện hiện đại, đáp ứng nhu cầu đào tạo, nghiên cứu khoa học và đọc sách của giảng viên, sinh viên nhà trường...
Để tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa hiếu học của dân tộc Việt Nam, Trường Đại học Hùng Vương sẽ tiếp tục duy trì các cơ chế để khuyến khích, biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tham gia công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu sách và lan tỏa nét đẹp văn hóa đọc. Ngoài ra, trường sẽ thường xuyên phát động phong trào ủng hộ sách cho thư viện trường học ởmiền núi, vùng sâu, vùng xa; chung tay phát triển văn hóa đọc với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
(TS HÀ THỊ LỊCH, Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, Trường ĐH Hùng Vương, Phú Thọ)
THANH NGỌC - ĐÌNH TOÁN (thực hiện)